Hotline

Thung lũng Silicon phiên bản Trung Quốc

Tạo bởi hvt.web | Tin Tức Thị Trường | 20/07/2019

Năm 2009, Trung Quốc đã nỗ lực để xây nên một trung tâm công nghệ ở Bắc Kinh. Khi ấy, đã ra đời nhiều Công ty công nghệ mang thiên hướng giống cá Công ty công nghệ của Mỹ, và nó thực sự đem lại hiệu quả cho nền kỹ thuật khoa học lúc bấy giờ ở Trung Quốc.

Zhongguancun hiện nay đã thay đổi. Tại đây, các quán cà phê bắt mắt cùng nhiều siêu thị đã mọc lên. Từ là một thị trường điện tử, là nỗi thất vọng của Trung Quốc, Zhongguancun đã vươn mình trở thành một khu vực phát triển ở phía Tây Bắc Kinh cùng với 2 trường Đại học hàng đầu, Bắc Kinh và Thanh Hoa. Đây chính là nơi được mệnh danh là Thung lũng Silicon thứ hai trên thế giới. 

Zhongguancun đã bắt đầu chế tạo các ứng dụng, dịch vụ và thiết bị nhanh chóng và hiện đại hơn trước đây. Dù chưa chắc chắn nhưng về cơ bản sự thành công đã đến rất gần với Trung Quốc. Đây là điều tất yếu khi mà chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng leo thang, thì việc Trung Quốc phải tự chủ mọi thứ, đặc biệt là các công nghệ khoa học kỹ thuật.

Số tiền đổ vào các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đã tăng nhanh trong vòng mười năm qua với mức đầu tư mạo hiểm ngang bằng với Mỹ. Có sẵn vốn trong tay, một doanh nghiệp mới có thể tìm không gian văn phòng nhanh chóng và dễ dàng tìm kiếm được những tài năng công nghệ tốt nghiệp từ các trường đại học danh giá tại Bắc Kinh.

Từ lâu, các doanh nghiệp Trung Quốc đã không còn là bản sao chép các doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon. Các doanh nghiệp mới nhất tại Zhongguancun đã áp dụng nhiều mô hình mà chưa có ở Mỹ. Ví dụ điển hình là Bytedance với ứng dụng chia sẻ Video Tik Tok. Rõ ràng, Zhongguancun đang là nơi vô cùng tiềm năng về truyền thông xã hội ngang bằng với các doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon, thậm chí trong mấy năm tới, Zhongguancun có thể trở thành một nơi để các nước “bắt chước” theo.

Các doanh nghiệp trẻ của Zhongguancun không khởi nghiệp trong gara, mà là trong những văn phòng chật ních trong những toà nhà thấp tầng. DiDi, một ứng dụng gọi xe lớn tại Trung Quốc, khởi đầu trong một căn phòng tồi tàn bên cạnh một văn phòng 66m2 rộng rãi dành cho những người thuê "yêu thích sản phẩm của Apple". Khi những startup này lớn mạnh, họ chuyển tới phía bắc, tới những toà nhà văn phòng rộng lớn hơn rất nhiều. Tencent, Baido, Lenovo và Sina đều là những doanh nghiệp có những khuôn viên ngổn ngang tại những khu vực xa thành phố.

Những doanh nghiệp mới đều phụ thuộc vào một trong những đặc điểm chính trị quan trọng nhất của Zhongguancun: gần các trường đại học tốt nhất Bắc Kinh. Nơi đây không chỉ tập trung những trường đại học lớn như Thanh Hoa hay Bắc Kinh, mà còn nhiều trường tiểu học và trung học chất lượng. Trụ sở của New Oriental, một trong những công ty giáo dục tư nhân quan trọng nhất Trung Quốc, cũng được đặt tại đây. Phần lớn những học sinh ưu tú của Trung Quốc đều tới Zhongguancun trước khi đi du học Mỹ.

Sức mạnh thực sử của Zhongguancun không phải công nghệ cơ bản, mà là khả năng phát triển những ứng dụng và dịch vụ mới cho thị trường trong nước thông qua smartphone. Người tiêu dùng Trung Quốc thậm chí còn hào hứng với những dịch vụ này hơn là người tiêu dùng phương Tây. Tại Mỹ hoặc châu Âu, các dịch vụ số thường phải cạnh tranh với những nền tảng đã có sẵn. Ngược lại, các dịch vụ số tại Trung Quốc thường là sản phẩm đầu tiên. Ngoài ra, nhu cầu tại Trung Quốc cũng rất cao.

Tuy nhiên, khi những dịch vụ mới không ngừng phát triển, hẳn sẽ có nhiều người không theo kịp. Tại Bắc Kinh, người dân hầu như không thể gọi taxi nếu không sử dụng ứng dụng DiDi và có thể bị một số quán cà phê từ chối phục vụ nếu không thanh toán qua WeChat.

Shunwei, một doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm, đặt mục tiêu giải quyết các vấn đề trong ngành công nghiệp Trung Quốc bằng công nghệ. Một trong những khoản đầu tư của công ty là Rokae. Rokae có thể sản xuất các cánh tay robot với giá thành thấp hơn các đối thủ phương Tây. Do đó, Rokae có thể thu hút cả những doanh nghiệp không đủ vốn để đầu tư cho tự động hoá.

Shunwei còn mong muốn khắc phục điểm yếu lớn nhất của Zhongguancun: phụ thuộc vào các linh kiện và công nghệ nhập khẩu. Công ty này đã đầu tư cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chế tạo chip điều khiển các thiết bị sạc từ xa hoặc hợp nhất dữ liệu từ máy ảnh thành hình ảnh ba chiều. Ngày nay, hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc đều nhập khẩu những sản phẩm này từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu muốn trở thành một trung tâm công nghệ toàn cầu và hỗ trợ Trung Quốc chống chủ nghĩa bảo hộ, Zhongguancun cần tự nuôi dưỡng đội ngũ cung ứng cho riêng mình.

Những startup mới cũng đã bắt đầu để mắt tới thị trường nước ngoài. Ví dụ, Rokae đã lên kế hoạch bán sản phẩm tại châu Âu. Với những công ty này, chiến tranh thương mại không phải là nguy cơ, mà là cơ hội giúp khắc phục những thiếu sót còn tồn tại trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc và cạnh tranh với phương Tây.

Tuy nhiên, để có thể trở thành một lực lượng định hình thế giới như Thung lũng Silicon, Zhongguancun cần phải xoá bỏ sự lo ngại của phương Tây về khả năng lạm dụng công nghệ. Tới nay, rất ít doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc có thể mở rộng hoạt động trên phạm vi toàn cầu. Huawei và Bytedance có lẽ là hai cái tên nổi bật nhất, dù hiện tại, Huawei đang vướng phải rắc rối do lo ngại về an ninh của các chính phủ các nước phương Tây.

Xem thêm: Giá đào Trung Quốc giảm mạnh


Thêm Đánh giá - Bình luận